Cách đây quãng 20 năm tôi viết bài “cái ô”, nói về việc một số cán bộ, công chức làm ăn bê bết nhưng rất giỏi kiếm cho mình cái ô. Ô hoặc dù thường là một “ông cốp” có thế lực, nói có người nghe, đe có kẻ sợ. Khi đã có ô rồi thì yên chí lớn, mưa nắng chẳng lo ướt người, rát mặt. Đường thăng tiến như diều gặp gió, có khuyết điểm thì to hóa nhỏ, nhỏ hóa không có gì.
|
Nhưng có một giám đốc trẻ làm ăn thành đạt, được xem là hình mẫu của tỉnh, khi nhắc tới chuyện ô dù đã khiến tôi bất ngờ. Rằng có người hỏi vì sao anh dám cả gan làm những việc nhiều khi liều lĩnh, vậy anh có “cái ô” nào chăng? Giám đốc bật lò xo: “Không. Tôi gốc nông dân, quen chân đất, đầu trần. Có ô, nếu chẳng may ô rách thì né vào đâu. Cái ô lớn nhất của tôi là hiệu quả”. Phải nói rằng thời đó đã có nhiều người cùng suy nghĩ như anh giám đốc trẻ nọ. Họ luôn lấy hiệu quả công việc làm cái đích đạt tới. Hiệu quả ấy là năng suất, chất lượng, là miếng cơm, tấm áo người lao động. Họ tâm niệm “tri túc thường lạc” (biết đủ lúc nào cũng vui), chứ không chăm chăm nhìn vào cái ghế cao hơn.
Thời nay chuyện ô, dù, ít được nhắc đến. Thay vào đó là hiện tượng “chống lưng”. Chống lưng xem ra có nghĩa rộng hơn ô, dù. Có thể chống lưng cho một người, hoặc cho một nhóm người, một công việc. Người “chống” có khi là một vị có chức sắc, lại có khi là một nhóm người, ta thường gọi là nhóm lợi ích. Vì lợi ích của một nhóm mà người ta bất chấp lẽ phải, lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách để giúp “đệ tử” làm ăn, có món hời kếch xù thì ăn chia sòng phẳng, “chú có bát cháo, anh có bát cơm”.
Xem ra nạn chống lưng loang nhanh như váng mỡ mặt ao nhà đám. Tới đâu cũng thấy người ta đặt câu hỏi: Ai chống lưng cho nạn cát tặc? Ai chống lưng cho nạn phá rừng? Ai bảo kê đánh bạc nghìn tỷ? Ai chống lưng cho ông nọ bà kia mà tài cán chẳng bằng ai vẫn lên chức vùn vụt như diều gặp gió? Người ta xì xầm, thậm chí gọi rõ tên người hay nhóm người chống lưng. Nhưng vào cuộc họp thì lại ngại nói ra. Vì sao, vì thông tin chưa kiểm chứng; vì người đang chống lưng cho kẻ khác đang rất có thế lực; vì “vụ này” liên quan nhiều việc, nhiều người có thần có thế, ngang như cua gặp ếch cũng co rúm lại, nhưng ếch lại sợ rắn, rắn sợ diều hâu… Cứ sợ bóng sợ gió như thế thành ra nói đến tự phê bình, phê bình ở không ít nơi chỉ là chuyện “phê” cho “đúng quy trình”.
Cái gốc của nạn ô, dù, chống lưng là đâu? Trước hết là ở con người, cả người đi tìm “gậy” và người “chống”. Những người này mắc phải căn bệnh tham lam, cơ hội, nhưng đôi khi chỉ ra khuyết điểm cụ thể của họ không dễ. Có người “chân lấm bê bê” nhưng lại thao thao nói về sự nêu gương, về đấu tranh chống suy thoái đạo đức. Một nguyên nhân khác là do cơ chế, do sự thiếu thống nhất trong quản lý. Xin đơn cử một thí dụ: Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi còn làm Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội nói một cách hình ảnh: “Ngay như một dòng sông mà có hai chính sách. Hà Nội không cho phép khai thác cát dưới lòng sông Hồng, trong khi Vĩnh Phúc lại cho phép. Việc xác định ranh giới giữa chỗ được phép khai thác và không được phép cũng rất khó vì cùng trên một dòng chảy”. Triệt để lợi dụng những kẽ hở, hoặc vùng chồng lấn trong cơ chế, chính sách mà nhóm lợi ích tạo điều kiện cho nhau làm ăn, hưởng những khoản lợi nhuận kếch xù.
Rất mừng và thêm vững tin khi lò lửa chống tham nhũng đang rừng rực cháy. Không có “vùng cấm”, “vùng tránh” là thông điệp của Đảng trong cuộc đấu tranh này. Những kẻ chống lưng, hay đi tìm cây gậy chống đã và đang lộ diện dưới ánh sáng của pháp luật, của lương tâm, đạo đức. Còn những người làm ăn chính đáng, đàng hoàng, ngay thẳng thì chẳng bao giờ cần đến những cái ô, chẳng cần nhờ cậy ai chống lưng cả. Thời nào cũng thế, muốn dân giàu, nước mạnh đều phải lo tìm người có đủ đức tài để gánh vác việc chung, làm giàu cho xã hội. Những người có đức tài, có trí tuệ, bản lĩnh, thì cứ thẳng lưng mà bước trên con đường dẫu còn lắm chông gai và cả những rủi ro.
|